Nông dân Khởi nghiệp từ đam mê

Anh Đoàn Ngũ Sang trong vườn lan của mình

Đam mê lan rừng từ thuở học sinh nhưng không có điều kiện theo đuổi nên mỗi lần nhìn lan rừng ở Bình Phước được người dân bán với giá rẻ, anh Đoàn Ngũ Sang ở phường Hưng Chiến (TX. Bình Long) lại tiếc ngẩn ngơ. Tuy bị gián đoạn vì chuyện học hành nhưng sở thích sưu tầm lan rừng của anh ngày càng cháy bỏng. Vì vậy, khi cuộc sống gia đình tạm ổn, anh Sang quyết tâm tìm về với đam mê. Từ những chuyến đi rừng trên khắp đất nước, anh Sang đã sưu tập được nhiều giống lan, trong đó có những giống quý, giá trị kinh tế cao.

Ước mơ bảo tồn lan rừng

Vườn lan Kiều Mai ra đời với ước mơ có thể bảo tồn được nhiều giống lan rừng Bình Phước. Vì vậy, không quản đường sá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, vào những ngày nghỉ anh Sang lại cùng chiếc xe máy rong ruổi khắp các cửa rừng trong tỉnh để mua các loại lan rừng do người dân tìm được. Anh còn đến Lâm Đồng, Kon Tum, Nha Trang, Ninh Thuận… mong tìm được những giống lan hiếm mà vườn nhà chưa có. Hàng tuần, anh Sang còn đặt mua hàng từ Campuchia để làm phong phú thêm bộ sưu tập của mình.

Dần dần, vườn lan Kiều Mai ngày càng đa dạng về giống, phong phú về chủng loại. Để theo đuổi đam mê, anh Sang đã bỏ rất nhiều công sức, tiền của và tự mày mò, nghiên cứu để nhân giống các loại lan quý như kim điệp, hoàng thảo trinh bạch, bí kỳ nam, trầm rừng, hỏa hoàng, ngọc điểm, gia hạc, quế vàng, vẩy rồng… Anh Sang cho biết: Hiện vườn lan Kiều Mai có khoảng 5.000 giò các loại. Lan rừng ưa sống trên thân cây nhãn, vú sữa và là loại “cây rừng”. Sức sống của lan rất mãnh liệt và dễ chăm sóc. Đặc biệt, hoa lan đẹp, lâu tàn, có mùi thơm nhẹ rất đặc trưng. Lan rừng hiếm khi bị bệnh, nếu có chỉ là thối lá hoặc nõn. Theo kinh nghiệm của anh Sang thì người chơi lan chỉ cần hòa nước vôi pha loãng tưới hoặc dùng sơn móng tay quét lên là cây lành bệnh.

Hiện nay, do chưa có phòng nuôi cấy mô nên anh Sang nhân giống bằng phương pháp thủ công, lấy hạt già rải lên xơ dừa để cây nảy mầm. Ngoài ra, anh còn dùng phương pháp thụ phấn chéo, lấy phấn hoa của dòng này lai tạo với dòng khác để tạo ra một loại hoa có màu sắc và mùi thơm theo ý muốn. Anh Sang còn nắm vững kỹ thuật xử lý lan ra hoa đúng thời điểm theo nhu cầu của thị trường.

Làm kinh tế để nuôi đam mê

Tuy dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng phải tỉ mẩn, vì thế lan rừng kén người chơi. Theo anh Sang, để định giá vườn lan của anh là rất khó. Hiện ở vườn lan Kiều Mai tùy chậu lớn nhỏ mà lan rừng có giá 50-150 ngàn đồng/giò. Còn đối với những giò lan lớn và quý thì giá phải đến vài triệu đồng. Những trụ (cội) có thiết kế hoàn chỉnh khoảng 10 cây có giá từ 1 đến 1,2 triệu đồng. Và anh Sang đang sở hữu khoảng 300-400 trụ như vậy.

Ngoài bán giống theo giò, chậu, trụ, vườn lan Kiều Mai còn nhận cung cấp các giống lan theo nhu cầu. Nguồn hàng chủ yếu từ Campuchia, thường xuyên mỗi tuần/chuyến dao động 80-300kg lan, chủ yếu là ngọc điểm và các dòng gia hạc. Sau khi nhập hàng, nhân công sẽ phân loại lan theo giống, theo dòng và lấy cây đẹp để xuất đi các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương. Anh Sang cho biết: Tùy từng đợt hàng mà thu nhập từ việc bán lan mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng. Tuy chưa tính được lãi ròng do phần lớn thu nhập được đầu tư lại vườn lan nhưng anh Sang khẳng định có lãi và trong vòng 3 năm nữa khi vườn lan của anh hoàn thiện thì “lãi lớn là đằng khác”.

Ông Châu Hùng Phương, một người chơi lan ở phường Hưng Chiến cho biết: “Vườn lan Kiều Mai hiện có nhiều giống, dòng lan rừng nhất tỉnh. Thậm chí có những giống được lai tạo có xuất xứ từ nhiều nước trên thế giới”. Tuy làm kinh tế bắt đầu từ đam mê nhưng anh Sang đang dần khẳng định việc làm của mình không chỉ góp phần bảo tồn giống lan rừng mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Ông Phương cho rằng, lan kén người chơi nên chưa phổ biến. Tuy nhiên, tương lai không xa, khi thú chơi này thịnh hành thì việc mua bán lan giống của anh Sang sẽ chuyển từ mua ký sang bán cây và lãi lúc đó có thể tính bằng tiền tỷ.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đạo, Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh cho biết: Nhiều năm trở lại đây, cùng với việc mất rừng thì các giống lan rừng ở Bình Phước cũng dần khan hiếm. Một số người chơi lan ở tỉnh phải bỏ không ít công sức và tiền bạc để mua các giống lan nhập từ nước ngoài để thỏa đam mê. Vì vậy, việc sưu tầm và bảo tồn giống lan rừng của anh Sang đang là một mô hình mới, vừa có hiệu quả kinh tế vừa giúp những người chơi lan có địa chỉ trao đổi, học hỏi lẫn nhau.

Anh Sang bộc bạch: Để hoàn thiện vườn lan Kiều Mai tôi rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan. Từ đó có thể xây dựng phòng nuôi cấy mô để nhân giống các loại lan rừng quý hiếm, đồng thời có thêm kinh phí để duy trì, bảo tồn và phát triển vườn một cách bài bản.

Nguồn: Bình Phước Online

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>